Chuyển đổi số

Chuyển đổi số là gì? Các khái niệm về chuyển đổi số bạn cần biết

Chuyển đổi số đã không còn là một thuật ngữ mới lạ trong thời đại 4.0 ngày nay. Tất cả mọi ngành, nghề đều đang “tất bật” trên hành trình chuyển đổi số.

1. Chuyển đổi số là gì?

   Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp “tư”, chính cơ quan nhà nước cũng đã đưa ra quy định về vấn đề này. Cụ thể, câu trả lời cho “chuyển đổi số là gì?” được phát biểu như sau:

   Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

    Bên cạnh đó, cũng có một số tổ chức nêu khái niệm chuyển đổi số:

       ·  Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

       ·  Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

       ·  Theo FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

      Nói tóm lại, dù sử dụng định nghĩa nào thì chuyển đổi số cũng là sự thay đổi, đổi mới phương thức làm việc, sản xuất,… của doanh nghiệp, cá nhân,…

2. Các khái niệm về chuyển đổi số bạn cần biết

    Bạn cần biết các khái niệm nào về chuyển đổi số?

    Trang tin của Bộ Thông tin và Truyền thông về chương trình chuyển đổi số quốc gia còn đưa ra một số khái niệm sau:

    ·  Tin học hóa

         Tin học hóa hay còn gọi là ứng dụng công nghệ thông tin, là việc số hóa quy trình nghiệp vụ đã có. Thông thường, tin học hóa không làm thay đổi quy trình đã có hoặc mô hình hoạt động đã có. Khi tin học hóa ở mức cao, dẫn đến thay đổi quy trình hoặc thay đổi mô hình hoạt động, thì gọi là chuyển đổi số.

    ·  Công nghệ số

       Trong môi trường số:

       Các thiết bị tính toán giao tiếp với nhau bằng tín hiệu số, biểu diễn dưới dạng tín hiệu nhị phân là 0 và 1. Công nghệ số, hiểu theo nghĩa rộng, là công nghệ xử lý tín hiệu số, hay công nghệ thông tin.

    + Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:

        Hiểu theo nghĩa hẹp, là một bước phát triển cao hơn, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn.

        Hiểu theo nghĩa rộng, công nghệ số là một trong các nhóm công nghệ chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với đại diện là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo… Cách hiểu theo nghĩa rộng phổ biến hơn.

    ·  Trí tuệ nhân tạo

        Theo nghĩa rộng, trí tuệ nhân tạo là việc con người nỗ lực làm cho máy móc có những năng lực trí tuệ của con người.

        Theo nghĩa hẹp hơn hơn thì trí tuệ nhân tạo là để “tăng cường năng lực trí tuệ của con người”.

    ·  Internet vạn vật

       Nếu như Internet là mạng lưới kết nối các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh… với nhau để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, Internet vạn vật là mạng lưới kết nối vạn vật với nhau để làm việc tương tự. Nhờ có các cảm biến thông minh và kết nối mạng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những vật vô tri vô giác, vật dụng gia đình, như chiếc quạt điện, lò vi sóng, hay cành cây, ngọn cỏ “cất tiếng nói” và giao tiếp với nhau và với con người. Internet vạn vật đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa môi trường thực và môi trường số.

     ·  Điện toán đám mây

         Điện toán đám mây là công nghệ cho phép năng lực tính toán nằm ở các máy chủ ảo, gọi là đám mây trên Internet của các nhà cung cấp thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng trên mặt đất, để mọi người kết nối, sử dụng như là dịch vụ khi họ cần.

         Điện toán đám mây cũng giống như điện lưới. Cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thay vì đầu tư máy chủ tính toán của riêng mình, giống như máy phát điện, thì sử dụng dịch vụ điện toán đám mây giống như điện lưới, sử dụng đến đâu trả chi phí đến đó mà không phải bận tâm tới việc vận hành, quản lý.

         Bên cạnh đó, DTA (digital transformation agency) của chính phủ Úc đã công bố một số khái niệm về chuyển đổi số dưới đây:

     ·  Accessibility (Khả năng tiếp cận)

          Chức năng này đảm bảo rằng tất cả những người cần dịch vụ của bạn đều có thể tiếp cận, sử dụng và hiểu dịch vụ của bạn.

     ·  Affinity mapping (Biểu đồ tương đồng)

          Affinity mapping được sử dụng để chỉ rõ các vấn đề còn tồn tại bằng cách thu thập dữ liệu và sắp xếp chúng lại thành từng nhóm dựa trên điểm tương đồng.

      ·  Assessor

          Assessor là chuyên gia hoặc người hành nghề trong lĩnh vực kỹ thuật số. Họ ở trong một hội đồng đánh giá các dịch vụ theo tiêu chuẩn dịch vụ số.

      ·  Beta (Giai đoạn thử nghiệm)

          Beta là giai đoạn xây dựng và lặp lại của quá trình thiết kế và cung cấp dịch vụ. Nhóm xây dựng một sản phẩm. Sau đó, sản phẩm được đưa cho người dùng trải nghiệm thử và báo cáo lỗi cho nhà sản xuất để có các biện pháp khắc phục

       ·  Metadata (Siêu dữ liệu)

           Metadata là thông tin về dữ liệu, chẳng hạn như kích thước hoặc ngày tạo của nó.

       ·  Big data

           Big Data là các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp. Độ lớn đến mức các phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống không có khả năng thu thập, quản lý và xử lý dữ liệu trong một khoảng thời gian hợp lý.

3. Nội dung chuyển đổi số

     Làm gì để chuyển đổi số?

     Tư vấn trưởng Chuyển đổi số của FPT chia sẻ rằng để chuyển đổi số thì phải đáp ứng 3 điều:

      ·  Một là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào.

      ·  Hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự.

      ·  Ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự.

      Ở Việt Nam chúng ta chuyển đổi số đang được diễn ra như thế nào?

       Dựa trên nghiên cứu của Microsofft năm 2017: Tại châu Á, chuyển đổi số mang đến tác động GDP khoảng 6%, năm 2019 là 25%. Ở Việt Nam, mô hình chuyển đổi số đã và đang tạo ra nhiều dịch vụ và tiện ích có giá trị cao cho nhân dân, tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đang tạo ra những mâu thuẫn, những thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp giành được lợi thế ở thị trường công nghiệp truyền thống. Với dân số hiện tại là 96 triệu dân Việt Nam có nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ nhất nhì tại khu vực, nắm giữ dân số trẻ, năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao, nhanh chóng. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để những doanh nghiệp tại Việt Nam tạo sự đột phá trên thị trường chuyển đổi số

      Như vậy, chúng ta có thể thấy, chuyển đổi số làm tăng năng suất, tác động trực tiếp đến GDP và giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều khoản nhân lực.

Nguồn: kimthai.namdinh.gov.vn