Phòng Thanh tra – ĐBCL

ĐÁNH GIÁ HỆ THỐNG BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG SÓC TRĂNG NĂM 2024

Thực hiện Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của               Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đã hoàn thành việc đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng của Trường năm 2024.

Việc xây dựng, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng nhằm tạo nền tảng quan trọng trong việc đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường; khẳng định chất lượng đào tạo và thực hiện cam kết của Nhà trường đối với người học và xã hội; nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý, gắn kết sự tham gia của tất cả các thành viên trong toàn Trường, giúp giải quyết các vấn đề quản lý một cách đồng bộ, khoa học, cập nhật và không ngừng cải tiến để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; giúp đội ngũ viên chức, người lao động hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng; hướng đến việc đo lường, đánh giá liên tục các công việc ở các bộ phận, cơ sở cho hoạt động cải thiện chất lượng; nhằm phục vụ cho mục đích nâng cao chất lượng dạy và học và tính minh bạch thông tin trong Nhà trường. Đây cũng là công cụ phục vụ công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xác định mức độ đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong năm 2024, Nhà trường thực hiện 02 đợt đánh giá theo Kế hoạch số 849/KH-CĐCĐ ngày 03/10/2024 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng về Đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Bao gồm: đánh giá hệ thống  bảo đảm chất lượng cấp đơn vị: Từ ngày 7/10/2024 đến ngày 18/10/2024 (Tổng số đơn vị thực hiện tự đánh giá: 14 đơn vị); đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng cấp Trường: Từ ngày 21/10/2024 đến ngày 25/10/2024. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tiếp tục rà soát, hoàn thiện về hệ thống văn bản, quy trình và các tài liệu liên quan đến việc củng cố và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng. Cụ thể như: Rà soát, điều chỉnh Quy chế quản lý, vận hành hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng của Trường, Sổ tay bảo đảm chất lượng và các quy trình đang vận hành của Nhà trường; bổ sung một số quy trình cần thiết; xây dựng và triển khai Kế hoạch về cải tiến chất lượng Trường năm 2024; xây dựng Mục tiêu chất lượng Trường năm 2024.

Nhìn chung, toàn thể lãnh đạo, viên chức, người lao động của Trường thể hiện quyết tâm cao trong việc cam kết thực hiện chính sách chất lượng của Nhà trường: “Vì cộng đồng - phục vụ cộng đồng”. Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Trường hiểu được vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng. Từ đó, thay đổi tư duy, nhận thức về công tác bảo đảm chất lượng. Chất lượng công việc ở các đơn vị thuộc và trực thuộc được nâng cao và cải tiến thường xuyên hơn trên cơ sở các mục tiêu đã được xây dựng.

Nguyễn Bích Như